Kỹ thuật trồng giống bắp lai DK 9955 trên đất lúa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

Giống bắp DK 9955 là một giống bắp lai đơn, do Công ty Mosanto nghiên cứu, lai tạo và sản xuất, Công ty TNHH Dekalb Việt Nam nhập khẩu và Công ty Cổ phần Nông dược HAI là nhà chính thức phân phối tại Việt Nam hiện nay.

 

I.Giống bắp lai DK 9955 có những đặc điểm nổi bật như sau:
+ Thích nghi rộng: Trồng được trên các chân đất và các mùa vụ trong năm.
+ Thời gian sinh trưởng: 105-110 ngày, có thể trồng chuyên canh hoặc luân canh được với các vụ lúa trong năm.
+ Bộ lá gọn, bền màu: thích hợp cho việc  trồng dày và thâm canh.
+ Sạch bệnh: Kháng tốt các bệnh khô vằn, rỉ sắt, đốm nâu.
+ Bộ rễ và thân chắc khỏe, giúp cây chịu hạn, chịu úng và chống đổ ngã rất tốt.
+ Lá bi bao kín bắp hạn chế tối đa thối bắp trong mùa mưa.
+ Tỷ lệ trọng lượng hạt/trái: 82%.
+ Tiềm năng năng suất cao và ổn định qua các mùa vụ: 12-14 tấn hạt/ha.

+ Chất lượng hạt cao, hạt nặng, màu đẹp.

II. Kỹ thuật trồng bắp lai DK 9955
1. Thời vụ trồng và các mô hình luân canh bắp trên đất lúa

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, giống bắp lai DK 9955 có thể trồng được quanh năm, trong đó vụ Đông Xuân và vụ Xuân Hè là 2 vụ bắp chính. Vụ bắp Đông Xuân thường được xuống giống vào tháng 10-12 và vụ Xuân Hè được xuống giống trong các tháng 2-4 dương lịch.

Trong những năm qua, đã có rất nhiều mô hình trồng bắp thành công như: Mô hình chuyên canh bắp (Bắp Đông Xuân - Bắp Xuân Hè), Mô hình luân canh Lúa Đông Xuân - Bắp Xuân Hè và Mô hình Lúa Đông Xuân - Bắp Xuân Hè - Lúa Hè Thu.

2. Chuẩn bị đất
Giống bắp lai DK 9955 không kén chọn đất. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, giống DK 9955 có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất đất phù sa ven sông, đất phèn nhẹ và trung bình, đất xám, ... Tuy nhiên, đất trồng bắp phải thuận tiện cho việc tưới, tiêu nước. Trên đất lúa trồng bắp, cần chọn vùng đất cao, phải lên luống, có mương tiêu đảm bảo thoát nước tốt, tránh ngập úng.

Đặc điểm của hệ thống rễ của giống bắp lai DK 9955 là mọc nhiều và ăn sâu  nên đất cần được cày sâu từ 15-20cm, bừa xới lại cho tơi đất, giúp bộ rễ phát triển tốt. Sau đó lên luống, tạo rãnh tiêu nước. Chiều rộng của luống đôi khoảng 1.2m và có rãnh rộng 30cm, sâu 25-30cm.

Biện pháp làm đất tối thiểu để trồng bắp trên đất lúa hiện đang được nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng. Sau khi thu hoạch lúa, tiến hành dọn sạch cỏ bờ và dùng máy cắt gốc rạ. Cứ 1.2m đào một rãnh rộng 30cm, sâu 25-30cm. Lớp đất màu đào rãnh được trải đều trên mặt luống. Bơm nước lên ruộng cho ngập một ngày đủ để đất mềm rồi rút hết nước đi để gieo hạt, không cần làm đất. Hiện nay đã có một số nơi áp dụng máy tạo rãnh thay cho biện pháp đào rãnh thủ công rất tiện lợi, nhanh chóng và chi phí thấp.

3. Mật độ và kỹ thuật trồng
Giống bắp DK 9955 có thể được trồng với mật độ dày hơn các giống bắp lại khác. Trồng với khoảng cách hàng cách hàng là 50-60cm, cây cách cây là 18-20cm, gieo 1 hạt/hốc. Lượng giống sử dụng từ 25-30 kg/ha. Tỉa hạt ở độ sâu 2-3cm, lấp bằng tro trấu hoặc lớp đất bột mỏng. Đất sau khi gieo hạt cần được tưới và giữ ẩm để hạt nảy mầm.

4. Phân bón
Bón lót: Bón 500-600 kg Super lân và 75-100kg Urê cho 1 ha trước khi gieo hạt. Bón theo hốc. Bón lót xong, lấp đất lại rồi mới gieo hạt.
Bón thúc 1 khi bắp được 6-7 lá (20-25 ngày sau gieo): Bón 150-200kg Urê và 50kg KCl cho 1 ha. Bón rải theo hàng, cách gốc 7-10cm. Bón phân kết hợp với xới xáo, vun gốc, lấp phân. Chú ý tưới nước, giữ ẩm sau khi bón phân.

Bón thúc 2 khi bắp được 9-10 lá (40-45 ngày sau gieo): Bón 150kg Urê và 50-100kg KCl cho 1 ha. Bón rải theo hàng, cách gốc 5-7cm. Bón phân kết hợp với vun cao gốc. Tưới nước làm tan phân và giữ ẩm.

Ghi chú: Tùy theo loại đất mùa vụ và tình trạng sinh trưởng của cây có thể gia giảm lượng phân của mỗi đợt bón. Có thể sử dụng các loại phân DAP, NPK khác với lượng bón nguyên chất tương đương để thay thế.

Tưới thúc phân hoặc phun phân qua lá: Trường hợp cây cằn cỗi, kém phát triển, sử dụng phân bón HAI-Chyoda 14-17-12+12S (tác động nhanh, hiệu quả tức thì) để tưới gốc: hòa 30-40 g/10L nước tưới vào gốc, giúp cây phục hồi nhanh và phát triển mạnh. Đồng thời phun bổ sung thêm phân bón lá Hoàng Hổ Si có chứa các dinh dưỡng đa lượng NPK, acid humic và silic: sử dụng 50ml/bình 16 lít, phun ướt đều lên lá, giúp cây phát triển cân đối và khỏe mạnh.

5. Tưới tiêu:
Ngay sau khi gieo, đất cần được tưới nước và giữ đủ ẩm để hạt nảy mầm. Ở giai đoạn đầu, cần phải tưới bằng thùng hoặc tưới máy có gắn vòi bông sen. Sau khi cây được 15-20 ngày tuổi là có thể tưới tràn. Khi tưới tràn, cho nước ngập từ 2-3 cm và sau 1-2 giờ phải rút hết nước ngay. Cần phải khơi các rãnh thoát nước để nước rút hết ngay trong ngày. Để nước đọng sẽ làm cây sinh trưởng kém. Đảm bảo đủ nước trong giai đoạn trổ cờ, phun râu và kết trái. Ở giai đoạn gần thu hoạch, nếu có mưa nhiều phải khai nước, tránh để nước tồn đọng trong ruộng sẽ làm chất lượng hạt.

6. Phòng trừ sâu bệnh cỏ dại hại bắp

Phòng trừ cỏ dại: Sử dụng Gorop 500EC để trừ các loài cỏ trên ruộng bắp một cách hiệu quả và kinh tế. Gorop 500EC là loại thuốc cỏ tiền nảy mầm và hậu nảy mầm sớm. Thuốc rất an toàn đối với mầm bắp và cây con. Liều lượng sử dụng: 1-1.5 L/ha (pha 40-60 ml/bình 16 lít, phun 400L nước/ha). Phun thuốc lên mặt luống sau khi làm đất và gieo hạt 0-3 ngày.

Ngoài Gorop 500EC, có thể sử dụng thuốc trừ cỏ O.K 720SL hoặc O.K 683SL để trừ các nhóm cỏ chác lác, lá rộng trong ruộng bắp. Liều lượng sử dụng: 1-1.5 L/ha (pha 40-50 ml/bình 16 lít, phun 400 L/ha). Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc trừ cỏ Fagon 20AS, một loại thuốc trừ cỏ không chọn lọc để diệt cỏ mọc giữa hai hàng bắp (cỏ mọc cao >20cm) trước khi bón thúc phân. Liều lượng sử dụng: 2-2.5 L/ha (pha 80-100 ml/bình 16 lít, phun 400L nước/ha). Để an toàn cho cây bắp, dùng một cái chụp dạng quặng gắn ở đầu béc phun, khi phun thuốc định hướng vào cây cỏ, thuốc không bay tạt vào phần xanh cây bắp gây chết cây.

Phòng trừ sâu hại bắp: Sâu đục thân, đục bắp là loại sâu quan trọng và ảnh hưởng nhất đến năng suất và phẩm chất hạt bắp thương phẩm. Sử dụng thuốc Wellof 3GR với liều lượng 12-15 kg/ha để phòng trừ các loại sâu này bằng cách rải thuốc vào nõn lá (loa kèn) 2 lần trong giai đoạn 30 và 45 ngày sau khi gieo.
Phòng trừ bệnh hại bắp: Các bệnh quan trọng trên cây bắp là bệnh đốm lá nhỏ, bệnh đốm lá lớn và bệnh khô vằn. Sử dụng thuốc trừ nấm Carbenda Supper 50SC (pha 20-25 ml/bình16 lít nước, phun ướt đều trên lá) để phòng trừ các bệnh này.

7. Chăm sóc khác
Sau khi gieo 5-7 ngày cần tiến hành kiểm tra đồng ruộng để dặm lại những chỗ không mọc nhằm đảm bảo mật độ trồng. Có thể dặm bằng hạt đã được ủ nứt nanh hoặc cây bầu trồng trong vườn ươm.
Làm cỏ, xới xáo kết hợp với bón phân vun gốc ở các giai đoạn 20-25 ngày và 40-45 ngày sau trồng.
Thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại hoặc có triệu chứng thiếu dinh dưỡng, úng hạn, … để kịp thời xử lý.

8. Thu hoạch
Thu hoạch khi trái trên ruộng đã chín hoàn toàn, ẩm độ hạt 28-32% (vỏ bi từ vàng chuyển sang khô). Ủ trái thành từng đống lớn 2-3 ngày, dùng máy đánh tách hạt. Phơi hoặc sấy đến khi ẩm độ hạt còn 14-15%. Đóng hạt vào bao và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát./.

Các tin khác